THÔNG TIN KHU VỰC Xã Cổ Đô, Huyện Ba Vì
Lịch sử
Làng Cổ Đô là một vùng đất cổ, có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Nằm soi bóng bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, ngoài truyền thống lao động cần cù, anh dũng, sáng tạo, người Cổ Đô còn có một niềm tự hào về lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược nước ta, khi vừa đặt chân tới Cổ Đô và các vùng xung quanh, chúng đã phải kinh hoàng trước tinh thần chiến đấu quyết liệt của Nghĩa quân Trần Vàng (người làng Cổ Đô). Năm 1944, Cổ Đô đã có Mặt trận Việt Minh, là nơi đã có cơ sở cách mạng sớm nhất huyện Quảng Oai. Nhờ có cơ sở cách mạng sớm, và hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cổ Đô đã khẩn trương xây dựng làng kháng chiến ngay từ những ngày đầu, trong tư thế sẵn sàng đánh địch. Từ tháng 12/1948 đến hết năm 1949, giặc Pháp đã tổ chức nhiều đợt càn quét qua Cổ Đô, tuy nhiên chúng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt. Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt, nhưng lớp người trước bị bắt, bị giết thì lớp người sau lại nối tiếp. Cơ sở này vỡ thì lại xây dựng tiếp cơ sở khác nên không lúc nào Cổ Đô trắng cơ sở.
Phát huy truyền thống trong những ngày đánh Pháp, làng Cổ Đô lại tiếp tục đi đầu trong chống Mỹ. Thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cùng với nhân dân các thôn làng khác trong xã thực hiện tốt nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu ở địa phương và chi viện cho chiến trường Miền Nam. Các phong trào như : Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, tay cày tay súng… đều được nhân dân làng Cổ Đô thực hiện một cách nghiêm túc và đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, lực lượng du kích cơ động xã Cổ Đô còn góp phần vào chiến công bắn rơi một máy bay F105 tạo nên động lực tinh thần to lớn để đánh thắng giặc Mỹ. Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, do có những thành tích đặc biệt xuất sắc, xã Cổ Đô được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Cả xã có 13 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 11 mẹ là người làng Cổ Đô. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả xã có 261 liệt sĩ hy sinh thì riêng làng Cổ Đô đã mất đi 163 người con ưu tú…Điều đó vừa nói lên niềm tự hào, đồng thời cũng nói lên sự hy sinh to lớn của người dân Cổ Đô trong hai cuộc kháng chiến.
1. Giới thiệu về Xã Cổ Đô
Làng Cổ Đô từ lâu đã nổi tiếng là làng lụa, làng thơ. Ngôi làng được ôm ấp bởi lũy tre xanh ngăn ngắt, bởi dòng Hồng đỏ nặng phù sa, bởi dải đê như tấm khăn hồng choàng lên cánh đồng xanh rợn sóng lúa là nét đẹp của sắc màu hội họa. Có lẽ vì sắc màu quê hương đẹp là vậy mà làng Cổ Đô được trời phú cho một nét văn hóa nữa gọi là “Làng họa sĩ”. Người đặt nền móng cho sự phát triển mỹ thuật nơi đây là họa sĩ Sỹ Tốt. Từ niềm đam mê cháy bỏng với hội họa mà các thế hệ người Cổ Đô lớp này đến lớp khác, con học từ bố, em từ của anh... để rồi sản sinh ra một thế hệ họa sĩ đầy tài năng như Giang Kích, Sỹ Luân, Trần Hòa, La Vuông… Trong số họ, không ai không đạt được những giải thưởng cao quý của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
2. Vị trí địa lý
Là xã thuộc vùng ven sông Hồng, tiếp giáp giữa vùng đồi gò và vùng đồng bằng với 5 km chiều dài chạy theo đê đại Hà, nằm cách trung tâm huyện Ba Vì khoảng 13 km.
- Phía đông tiếp giáp với xã Phú Cường;
- Phía Tây tiếp giáp với xã Phong Vân;
- Phía nam tiếp giáp với xã Vạn Thắng và Phú Đông;
- Phía bắc tiếp giáp với xã Tân Đức, tỉnh phú thọ (danh giới sông Hồng)
Bản đồ xã Cổ Đô
3. Diện tích và dân số
Tổng diện tích đất tự nhiên: 8,48 km², dân số có tổng 2165 hộ, 8460 nhân khẩu. Mật độ dân số đạt 1000 người/km².
4. Kinh tế - Xã hội
Nhân dân trong xã sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế cơ bản hiện nay nông nghiệp chiếm 55%, ngành nghề dịch vụ thương mại chiếm 15%. Thu lương trợ cấp xã hội và thu khác 30%. Xã có một số nghề truyền thống như nghề chài lưới trên sông, nghề cổ truyền làm bún, vẽ tranh.
5. Giao thông
Trên địa bàn xã Cổ Đô hiện nay có các tuyến đường lớn nhất là đường đê, đường Thân Nhân Trung,... Ngoài ra, từ trung tâm xã Cổ Đô tới Tỉnh lộ 93 cách khoảng 2 km; tới Quốc lộ 32 (tuyến huyết mạch phía tây Hà Nội đi qua 4 tỉnh thành gồm Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu) khoảng 7,5 km; tới trung tâm thủ đô (hồ Hoàn Kiếm) khoảng 80 km (tương đương hai tiếng di chuyển); và tới sân bay Nội Bài khoảng 64,5 km (75 phút di chuyển).
6. Các dự án bất động sản
- Hiện tại chưa có dự án nào.