THÔNG TIN KHU VỰC Xã Phù Đổng, Huyện Gia Lâm
Lịch sử
Năm Canh Tuất, 1490, vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 (đạo) xứ thừa tuyên (sau gọi là xứ). Từ triều Tây Sơn tới đầu triều Nguyễn đổi sang gọi là trấn. Theo đó, xã Phù Đổng thuộc huyện Tiên Du trực thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính thống nhất trong cả nước, theo đó bãi bỏ cấp tổng trấn; chuyển các trấn, dinh thành tỉnh. Theo đó, xã Phù Đổng trực thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 31 tháng 5 năm 1961, căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội. Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 78-CP chuyển tất cả các xã (trong đó có xã Phù Đổng) thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nhập vào thành phố Hà Nội.
Ngày 15 tháng 3 năm 1967, thành phố Hà Nội quyết định sáp nhập thôn Đổng Xuyên (Gióng Mốt) thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm vào xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.
1. Giới thiệu về xã Phù Đổng
Phù Đổng trước đây là một xã thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, xã được chuyển về huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Xã Phù Đổng gồm các thôn: Phù Đổng, Phù Dực và Đổng Viên. Trong các thôn lại chia ra thành các xóm đều có tên gọi riêng.
2. Vị trí địa lý
Là một xã rộng nằm bên bờ sông Đuống với bạt ngàn những bãi chuối, bãi ngô ngoài đê. Xã có ranh giới với rất nhiều xã, phường:
- Phía Bắc giáp phường Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và các xã Ninh Hiệp, xã Đình Xuyên
- Phía Tây giáp với phường Phúc Lợi, quận Long Biên và xã Dương Hà
- Phía Nam bên kia sông Đuống giáp ranh với các xã Kim Sơn, xã Phú Thị, xã Đặng Xá và xã Cổ Bi
- Phía Đông giáp với xã Trung Mầu và xã Lệ Chi.
Bản đồ xã Phù Đổng
3. Diện tích và dân số
Xã Phù Đổng có diện tích 11,93 km², dân số năm 2022 là 14.170 người, mật độ dân số đạt 1.187 người/km².
4. Kinh tế - Xã hội
Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Phù Đổng luôn phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để phát triển kinh tế, Phù Đổng có chủ trương duy trì các ngành kinh tế mũi nhọn, mở rộng mô hình kinh tế mới, tăng cường huy động vốn, tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể.
Nói đến Phù Đổng người ta nghĩ đến ngay chăn nuôi bò sữa, hiện nay xã có 1.814 con trâu bò, trong đó có 805 con bò sữa cho thu nhập hàng năm trên 30 tỷ đồng (số liệu năm 2011). Bên cạnh đó, với nỗ lực không ngừng của cán bộ và nhân dân xã Phù Đổng, hành năm tổng sản lượng lương thực của xã trung bình đạt 5.400 - 5.600 tấn, tổng giá trị thu nhập toàn xã năm qua đạt trên 50 tỷ đồng, hộ khá giàu tăng từ 30 lên 38,5%, mỗi năm giảm hơn 20 hộ nghèo. Hiện xã còn 1,7% số hộ nghèo.
Phù Đổng luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, tranh thủ được nguồn vốn của thành phố, huyện, đặc biệt sự tự nguyện góp sức của người dân địa phương, xã đã xây dựng được 34 phòng học kiên cố, đổ bê tông, lát gạch gần 4km đường làng ngõ xóm, xây nhà văn hóa thô, cải tạo mạng lưới điện, xây dựng nhà máy nước sạch đủ cung cấp cho người dân.
Để có được những kết quả trên, trước hết phải kể đến sự đoàn kết nhất trí của Đảng bộ và nhân dân xã Phù Đổng. Đảng bộ xã hiện có 341 đảng viên đang công tác, sinh hoạt tại 9 Chi bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được Đảng bộ quan tâm và đặt lên hàng đầu. Đảng ủy và Các Ban Chi ủy, Chi Bộ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thông qua việc đẩy mạnh thi đua làm giàu chính đảng, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thúc đẩy tăng giá trị sản lượng trồng lúa, chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là nghề chăn nuôi bò sữa, đồng thời phát huy nghề truyền thống dâu tằm, nghề làm vườn hoa cây cảnh.
Phát huy truyền thống Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trong thời gian tới Đảng bộ xã Phù Đổng tiếp tục khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
5. Di tích
Theo truyền thuyết thì Phù Đổng là nơi sinh ra Thánh Gióng là một trong Tứ Bất Tử. Các di tích liên quan đến Thánh Gióng đều là những di tích, di sản có giá trị quý báu về văn hóa, lịch sử. Cụm di tích đền Gióng ở thôn Phù Đổng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cùng với đó là Lễ hội Gióng Phù Đổng (ngày 9 tháng Tư âm lịch) cũng là di sản phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.
6. Giao thông
Các tuyến, hệ thống giao thông quan trọng ở xã Phù Đổng:
- Quốc lộ 1 mới (km155 - km158)
- Tỉnh lộ 270: đi thị xã Từ Sơn
- Đường đê hữu Đuống: cầu Đuống đi Trung Màu
- Đường Dốc Lã (Yên Thường đi Trung Màu).
Hệ thống xe buýt: 10B.