THÔNG TIN KHU VỰC Xã Trung Mầu, Huyện Gia Lâm


Lịch sử

Trong những năm từ 1936 đến 1944, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội như các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Lê Quang Đạo v.v... đã đi về hoạt động, được quần chúng yêu mến, tận tình nuôi giấu, chở che, trở thành một trong những “cái nôi” của các tổ chức cách mạng và phong trào yêu nước trước Cách mạng tháng 8 - 1945.

Nằm phía tả ngạn sông Đuống, trước đây Trung Mầu là một xã thuộc tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, nằm trong xã Toàn Thắng của huyện Gia Lâm; sau Cải cách ruộng đất giữa năm 1956, làng Trung Mầu và làng Thịnh Liên tách khỏi xã Toàn Thắng để lập thành xã Trung Hưng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4 - 1961, xã Trung Hưng được cắt chuyển về huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Năm 1964 xã đổi tên thành xã Trung Mầu.

1. Giới thiệu về xã Trung Mầu

Trung Mầu là 1 xã của huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có truyền thống cách mạng vẻ vang của huyện. Trung Mầu từng là an toàn khu của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và tỉnh ủy Bắc Ninh trước đây.

Xã Trung Mầu bao gồm 2 thôn chính là Trung Mầu và Thịnh Liên. Trong đó thôn Trung Mầu là thôn lớn chia thành nhiều xóm.

2. Vị trí địa lý

Trung Mầu là xã nằm ở phía Đông bắc huyện Gia Lâm. Xã có vị trí địa lý:

  • Phía Bắc giáp xã Đại Đồng, xã Tri Phương, đều thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
  • Phía Tây và phía nam giáp xã Phù Đổng
  • Phía Đông giáp xã Lệ Chi.

Bản đồ xã Trung Mầu

Bản đồ xã Trung Mầu

3. Diện tích và dân số 

Xã Trung Mầu có diện tích 4,22 km², dân số năm 1999 là 4.717 người, mật độ dân số đạt 1.118 người/km².

4. Kinh tế - Văn hóa

Trung Mầu là một xã thuần nông xa trung tâm huyện. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp như trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi bò, lợn, gà. Nhóm dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển.

Những năm qua, vượt qua khó khăn cán bộ và nhân dân Trung Mầu đã thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển trồng trọt chăn nuôi và các ngành nghề phụ như: Trồng cây cảnh, chăn nuôi bò sữa và dâu tằm… Ngoài ra, nhân dân nơi đây còn mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, đạt mức thu nhập cao hơn từ 1,4 đến 1,5 lần so với trước. Nhiều mô kinh kinh tế mới đã và đang được hình thành và từng bước được nhân rộng. Tất cả các thôn xóm đều đã có điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống trường học, Trạm y tế, Nhà văn hóa được xây dựng mới khang trang, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phần lớn các hộ gia đình đều đã có xe gắn máy và nhiều phương tiện đắt tiền khác; 80% số hộ có nhà mái bằng... Bên cạnh đó, văn hóa giáo dục ngày một phát triển, trình độ dân trí không ngừng được nâng cao. Nếu trong thời Pháp thuộc, xã Trung Mầu số người biết chữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thì nay xã đã đủ điều kiện để được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các trường đang trong quá trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia, xã có hàng trăm người có trình độ đại học, một người có học vị tiến sĩ... Năm 2000, Trung Mầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Pháp. Và có lẽ ít có nơi nào như Trung Mầu được Nhà nước tặng bằng “Làng có công với nước” và cũng ít có xã nào 18 gia đình được công nhận “Gia đình có công với nước” như Trung Mầu, toàn xã có 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 126 liệt sĩ, thương bệnh binh trong các cuộc kháng chiến...

Trong quá khứ, Trung Mầu từng biết phát huy truyền thống yêu nước; ý thức cách mạng đúng đắn, lập nhiều chiến công to lớn. Thì trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, Trung Mầu cũng đã và đang huy động mọi kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có để làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vươn lên lên làm giàu chính đáng xứng đáng với vùng đất quê hương Anh hùng cách mạng.

5. Di tích

Xã Trung Mầu gồm hai làng Trung Mầu và làng Thịnh Liên với 5 di tích lịch sử văn hóa. Làng Trung Mầu xưa có một đình, một nghè, hai chùa (một gọi là Chùa Đô, một gọi là chùa Mới nay xây nhà truyền thống của xã). Làng Thịnh Liên xưa có hai đình hai chùa. Năm 2017, cả 2 làng đều phục dựng lại các ngôi đình với tên gọi là đình Trung Mầu và đình Thịnh Liên. Theo sắc phong còn để lại cả hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên đều thờ ba vị tướng: Cao Chương Đại Vương, Cao Gia Đại Vương, Tòng Chinh Đại Vương thời nhà Đinh. Các vị tướng nhà Đinh này đều là nhân vật cụ thể có công đánh dẹp 12 sứ quân và Chiêm Thành giữ nước thuộc địa phận hai làng được nhà vua phong tướng sắc. Riêng làng Thịnh Liên vì đại bộ phận là dân chài còn thờ thêm vị thần: "Hán Giang Thủy Tộc Long Vương".

Theo cuốn lịch sử các làng ở thủ đô Hà Nội, Trung Mầu có tên nôm là làng Miêu, một làng xưa thờ quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không (tức Lý Quốc Sư) tại Chùa Đô. Vì có chiến tích đối với quốc gia, nhà sư đó còn được vua đưa về tưởng niệm tại Kinh đô Thăng Long. Hiện nay có đền thờ ở phố Lý Quốc Sư quận Hoàn Kiếm nội thành Hà Nội và ở chùa Bái Đính, Ninh Bình trên quê hương ông.

6. Giao thông

Các tuyến, hệ thống giao thông đi qua xã Trung Mầu:

  • Đường Dốc Lã - Trung Mầu: nối với Quốc lộ 1 cũ đi qua 4 xã của huyện Gia Lâm: Yên Thường, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Trung Mầu
  • Đường đê tả Đuống: nối với quốc lộ 1, đê Tiên Du...
  • Đường sông: xã nằm bên bờ tả ngạn sông Đuống.

Hệ thống xe buýt: 10B.

Những xã/phường khác