THÔNG TIN KHU VỰC Xã Minh Phú, Huyện Sóc Sơn


Lịch sử

Minh Phú có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ khá sớm. Đầu thế kỷ XX, cùng với một bộ phận lớn thanh niên trong vùng Kim Anh - Đa Phúc theo nghĩa quân Đề Thám, tổ chức nhiều trận đánh chống lại thực dân Pháp, ông Cai Tôn (người thôn Thanh Trí) cũng tổ chức một số người dân nơi đây tham gia đánh giặc cùng nghĩa quân Đề Thám.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, Đình Phú - Minh Phú nhanh chóng trở thành một cơ sở cách mạng vững vàng, là địa bàn hoạt động của nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của Trung ương như: đồng chí Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Lê Thị Lịch (tức Liên), Vũ Ngọc Linh. Nhân dân Minh Phú nêu cao tinh thần cách mạng một lòng theo Đảng. Tháng 6 năm 1943, cơ sở cách mạng Đình Phú là nơi tổ chức Hội nghị Ban cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên và được đón Tổng Bí thư Trung ương Đảng Trường Chinh. Tháng 4 năm 1944, cơ sở cách mạng Đình Phú đã phối hợp với cơ sở Việt Minh Xuân Kỳ (xã Đông Xuân) và Lâm Hộ (huyện Mê Linh) tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền về Việt Minh ở chợ Thượng Phúc (huyện Kim Anh). Đầu năm 1945, Minh Phú đã có đảng viên đầu tiên, đến tháng 5, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập với 3 đảng viên.
 
Sau khi cách mạng thành công, Minh Phú lại cùng cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, nhân dân Minh Phú cùng bộ đội dựng trận địa phòng không, dàn trận chống trả quyết liệt, cất giấu kho tàng, đào hầm trú ẩn, mở công sự, vận chuyển xăng dầu. Nhiều người rời nhà lùi sâu vào núi, hiến đất cho Bộ Quốc phòng làm nơi sản xuất vũ khí. Dân địa phương sát cánh cùng bộ đội giáng trả thích đáng giặc Mỹ, bắn rơi một chiếc máy bay F4H, một chiếc máy bay do thám không người lái. Trong bom đạn khốc liệt từ năm 1964 đến 1975, hàng trăm người dân tại Minh Phú đã xung phong nhập ngũ, những người khác vẫn tay cày tay súng, đóng góp được 6,000 tấn lương thực gửi cho tiền tuyến.

1. Giới thiệu về xã Minh Phú

Minh Phú nằm ở phía bắc huyện Sóc Sơn. Trải qua quá trình phát triển lâu dài của lịch sử, Minh Phú đã có nhiều thay đổi khác nhau về tên gọi cũng như địa giới hành chính. Trước Cách mạng tháng Tám, các làng, ấp của xã đều thuộc huyện Kim Anh, Phúc Yên. Cách mạng tháng Tám thành công, xã mang tên Liên Phú, gồm có Đình Phú Thượng và Đình Phú Hạ. Năm 1949, hai xã Minh Trí và Liên Phú hợp nhất thành Minh Phú, có thêm các thôn Thanh Trí, Lập Trí, Thắng Trí và Vụ Bản. Đến năm 1952, xã lại được sáp nhập cùng với 2 xã Tân Dân, Thanh Xuân để trở thành Minh Tân. Đến năm 1955, Minh Phú tách khỏi Minh Tân, bao gồm 4 khu hành chính là: Phú Hạ, Thanh Trí, Phú Sơn và Liên Phú. Hiện nay, xã gồm có 8 thôn, khu dân cư là: Thanh Trí, Phú Hạ, Phú Hữu, Thanh Sơn, Phú Ninh, Phú Cường, Phú Thịnh và khu dân cư lâm trường.

2. Vị trí địa lý

Xã Minh Phú có vị trí địa lý:

  • phía Đông giáp 2 xã Hiền Ninh và Nam Sơn
  • phía Tây giáp xã Minh Trí
  • phía Nam giáp 2 xã Hiền Ninh và Tân Dân
  • phía Bắc giáp 2 xã Minh Trí và Nam Sơn

xa_minh_phu

Bản đồ xã Minh Phú

3. Diện tích và dân số

Tổng diện tích đất tự nhiên: hơn 2,035 ha.

Dân số năm 2015 là 12.872 người, mật độ dân số là 632 người/km2.

4. Văn hóa - Xã hội

Ngày nay, Minh Phú vẫn còn duy trì được nhiều nét đẹp truyền thống. Các lễ hội dân gian như hội đánh đu, hội kéo dây,.. hằng năm vẫn được tổ chức, góp phần bảo vệ nét đẹp văn hóa lâu đời.

Trên địa bàn xã Minh Phú trước kia có nhiều đền: đền Cây Xanh, đền Gốc Nhãn, đền Phú Hạ, đền Thanh Trí, đền Ông Cộc, trong đó, đền Thanh Trí có lịch sử lâu đời nhất, thờ Đức thánh Quý Minh và còn lưu giữ được tấm bia đá cùng 5 đạo sắc và một cuốn lịch sử ghi lại công lao của thánh Quý Minh (được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2007). Ngoài ra, Minh Phú còn có nhiều đình, chùa ở Liên Phú, Phú Hạ, Phú Thịnh, Thanh Trí cùng với 7 ngôi miếu ở các thôn trong xã. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh và thiên tai, những ngôi đình, chùa trên phần nhiều đã bị hư hỏng nặng và đang từng bước được các cấp chính quyền cùng nhân dân trùng tu, phục dựng. Hiện nay, xã có 18 di tích.

Những xã/phường khác