THÔNG TIN KHU VỰC Phường Khương Thượng, Quận Đống Đa
Lịch sử
Từ trước thế kỷ XIX cùng với Khương Trung, Khương Hạ hợp thành xã Khương Đình, thuộc huyện Thanh Trì. Đến đầu thế kỷ XIX Khương Thượng được tách ra, đem thuộc về tổng Hạ của huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Từ 1915, Khương Thượng lại thuộc về tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Long. Sau năm 1954 Khương Thượng quay trở lại cùng Khương Trung. Khương Hạ thành xã Tam Khương, quận VII ngoại thành Hà Nội. Nay Khương Thượng thành một phường thuộc quận Đống Đa.
Khương Thượng vốn có năm xóm: Đình, Đông, Tứ, Dộc và xóm Trước Cửa là xóm chính của làng, có một cổng lớn gọi là Cổng Cái. Sau năm 1919, Pháp làm sân bay Bạch Mai đã lấy đất của hai xóm Tứ và Dộc và dồn dân hai xóm này đến cánh đồng phía tây của làng gần Ngã Tư Sở và mọi người gọi đó là xóm Tân Khương.
Đây là nơi diễn ra chiến sự trong chiến dịch nghĩa quân Tây Sơn giải phóng Thăng Long vào năm 1789 nên Khương Thượng có nhiều di tích ghi nhớ: ở chỗ nay là Học viện Thủy lợi vốn có một gò đất hình con ốc nên có tên là núi Ốc (Loa Sơn), nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống đóng đồn và đã phải đền tội. Đằng sau có hồ rộng, quân lính thường đem voi ra tắm nên có tên là hồ Tắm Tượng. Hai di tích này không còn, chỉ còn di tích chùa Bộc. Chùa có tên chữ là Sùng Phúc tự, có từ đời Lê là chùa của làng Khương Thượng. Trong trận đánh quân Thanh, chùa bị hư hỏng. Năm Quang Trung thứ 5 (1792) dân làng làm lại chùa. Hiện trong chùa có một pho tượng hình dáng như các tượng Đức Ông ở mọi chùa, nhưng chân không đi hài, để trần. Nhiều người cho rằng đó là dân đã mượn hình thức Đức Ông để tạc tượng vua Quang Trung, vì ở sau tượng có dòng chữ “Bình Ngọ niên tạo Quang Trung tượng”. Bính Ngọ là năm 1846. Tuy nhiên cũng có người cho rằng đó là dòng chữ mới khắc gần đây. Vấn đề cần nghiên cứu thêm.
Ngoài ra cánh đồng làng này có những gò đất cao, tương truyền là nơi chôn xác quân Thanh. Nay tất cả cánh đồng đã được xây dựng những công trình xây dựng mới: Trường Công đoàn, Học viện Thủy Lợi, Học viện Ngân hàng.
Đình Khương Thượng thờ thần Cao Sơn, là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng năm 1990.
1. Giới thiệu về phường Khương Thượng
Phường Khương Thượng nằm ở phía Nam quận Đống Đa (một trong những quận trung tâm thành phố Hà Nội). Phường có các tuyến phố chính là phố Khương Thượng, Phố Tôn Thất Tùng, đường Lương Định Của và đường Trường Chinh. Bắt đầu từ đường Tây Sơn đến hết khu vực Trường Chinh – cung đường này có mật độ giao thông rất cao, hết đường Trường Chinh chính là một trong những tuyến đường hướng ra bến xe Giáp Bát, bến xe nước Ngầm và các khu vực chung cư thuộc quận Hoàng Mai. Tuyến phố này cũng nổi tiếng với Thâm mỹ viện Keang Nam.
Toàn phường có 09 chi bộ dân cư, 4 chi bộ đương chức, với hơn 600 đảng viên. Đảng ủy phường luôn phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể, lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ trong nhiều năm liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Năm 2015 được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Trên địa bàn phường có 01 trường Trung học cơ sở; 01 trường Tiểu học và 01 trường Mầm non; 01 Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
2. Vị trí địa lý
Địa giới phường Khương Thượng:
- Phía Đông giáp phường Kim Liên
- Phía Tây giáp phường Khương Trung
- Phía Nam giáp phường Khương Mai
- Phía Bắc giáp phường Trung Tự (quận Đống Đa).
Bản đồ phường Khương Thượng
3. Diện tích và dân số
Phường Khương Thượng có diện tích đất tự nhiên là 0,33km2, dân số hiện nay có hơn 16.000 dân và 3.000 hộ phân bố ở 36 tổ dân phố, 9 khu dân cư.
4. An ninh và dân cư
Đánh giá một cách tổng quan, mật độ dân cư tại phường Khương Thượng khá đông đúc. Tại đây, tập trung lượng lớn sinh viên từ các trường như: Đại học Y Hà Nội, Học Viện Ngân Hàng, Đại học Thủy Lợi, Đại học Công Đoàn… học tập và sinh sống. Nơi đây tồn tại các khu tập thể thuộc hàng đầu tiên tại Việt Nam còn sót lại do Triều Tiên hỗ trợ xây dựng, có tuổi thọ lên đến 60 năm. Người dân sinh sống rất đông. Các hộ gia đình chủ yếu làm nghề kinh doanh buôn bán.
Khu vực tuyến đường Trường Chinh tập trung nhiều doanh trại quân đội, an ninh tương đối ổn định. Tuy nhiên, trên các tuyến phố Tôn Thất Tùng, Khương Thượng vẫn tồn tại tình trạng bán hàng rong tràn lan bên lề đường và trên vỉa hè gây mất trật tự an ninh công cộng. Đặc biệt, đường Tôn Thất Tùng do có Bệnh viện Đại học Y nên hàng ngày có rất nhiều lượt người qua lại. Chưa kể, đây cũng là nơi tập trung sinh viên của nhiều trường đại học nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự nhộm nhoạm, trộm cắp, móc túi.
5. Hệ thống giao thông
Các tuyến đường chính - phụ và khung giá đất
Theo bản đồ quy hoạch giao thông Phân khu H1-3 của Thành phố Hà Nội, phường Khương Thượng xoay quanh bốn tuyến phố chính là:
+ Phố Khương Thượng - Đất ở đô thị - giá từ 13,8 triệu/m2 đến 33,6 triệu/m2
+ Phố Trường Chinh - Đất ở đô thị - giá từ 17,5 triệu/m2 đến 46 triệu/m2
+ Phố Tôn Thất Tùng - Đất ở đô thị - giá từ 16,1 triệu/m2 đến 41,4 triệu/m2
+ Phố Lương Định Của - Đất ở đô thị - giá từ 17,5 triệu/m2 đến 46 triệu/m2.
Ngoài ra, còn có tuyến Vành đai 3 (tuyến đường đi qua các quận và huyện Đông Anh, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm).
Mật độ giao thông
Tình trạng chung của các tuyến đường thuộc phường Khương Thượng là thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do khu vực tập trung nhiều trường học cũng như bệnh viện. Chưa kể, Trường Chinh là một trong các tuyến đường hướng ra bến xe Giáp Bát, có mật độ giao thông rất cao. Nằm trên phố Tôn Thất Tùng là có Đại học Y Hà Nội, kế bên là Bệnh viện Đại học Y, đối diện lại có trường Tiểu học Khương Thượng…, ngày ngày xảy ra ùn tắc, đặc biệt là vào các giờ cao điểm.
Các tuyến bus
+ Đối Diện Bảo Tàng Phòng Không Không Quân: 16, 19, 24
+ Đại Học Y Hà Nội - Đối Diện 26 Tôn Thất Tùng: 12
+ 20 Tôn Thất Tùng: 12
+ 223 - 225 Trường Chinh: 16, 19, 24.
6. Di tích lịch sử
Đình Khương Thượng
Đình Khương Thượng thuộc phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đình nằm ở trung tâm làng Khương Thượng, thờ Cao Sơn Đại vương. Truyền thuyết cho rằng Cao Sơn là một trong số 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ theo mẹ lên núi. Sau đó, Cao Sơn thành bộ tướng của Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên) đã chống lại Thuỷ Tinh và thủ lĩnh tộc Âu khi họ tấn công nhà nước Văn Lang. Do có công lớn nên Cao Sơn được lập đền thờ và trở thành vị thần thứ 2 trong đền ở núi Tân. Theo các bản thần tích biên soạn thời hậu Lê thì Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền, là người Trang Thánh Uyên, nay là xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Qua sân là phương đình, hai mái, góc có trụ lửng chạm hình hoa sen. Các con rường của bộ nóc tạo thành các bức cốn chạm hình hổ phù, rồng mây khá đẹp, các đầu dư cũng là các đầu rồng. Giữa các xà đại thượng và xà đại hạ có tượng con nghê với đường nét nổi khá sinh động. Qua phương đình là toà đại đình 9 gian. Mặc dù đình và mái đình đã bị hỏng nhưng các kiến trúc còn khá nguyên vẹn. Các đầu dư, góc xà, chạm khắc dày đặc các đề tài rồng mây, rồng lá, rồng trúc... Hoà với kiến trúc cổ là các bức đại tự, hoành phi, nhang án được chạm khắc và sơn son thiếp vàng rực rỡ, tạo nên một khung cảnh cổ kính. Hậu cung của đình trước kia nối với các đại từ thành hình chữ Đinh, nhưng đã bị hỏng, nay xây lại mới cùng với hai nhà giải vũ. Ở sân trước của đình còn có một tấm bia đá dựng năm Khải Định thứ 8 ghi lại việc sửa chữa đình. Đình Khương Thượng là một kiến trúc cổ có niên đại thế kỉ XIX, hoà với không gian cây xanh và hồ nước, đình đã tạo thành một khung cảnh đặc sắc ở ngay giữa thủ đô. Đình là một trong những đình có giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc đặc sắc của thủ đô. Đình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, cần được đầu tư tu bổ sớm. Đình đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể Thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật ngày 27/12/1990.
7. Thị trường bất động sản
Với vị trí đẹp và thuận lợi cho việc di chuyển, phường Khương Thượng rất phù hợp để định cư lâu dài. Đời sống phát triển, thu nhập người dân cũng ngày một tốt hơn cộng với lượng người nhập cư tăng cao khiến cho nhu cầu tìm mua bất động sản tại phường Khương Thượng ngày càng tăng. Tại một số vị trí, giá nhà thậm chí tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước. Trong đó, các sản phẩm nhà mặt tiền, nhà riêng và nhà chung cư là những sản phẩm được săn đón nhiều nhất. Tuy nhiên, khu vực này lại khá hiếm các dự án chung cư, chủ yếu là nhà tập thể và nhà ở thấp tầng.